Trang chủMặc địnhKiếm tiền từ “nghề” xây cộng đồng? Các yếu tố tạo nên Community Economy

Kiếm tiền từ “nghề” xây cộng đồng? Các yếu tố tạo nên Community Economy

10 năm trước, những vị trí như Content Creator hay Content Manager là những vị trí rất hiếm thấy. Phổ biến trong khoảng 5-7 năm trở lại đây, mô hình Creator Economy (kinh tế sáng tạo) hình thành, sinh ra những vị trí mới và chúng được coi như một “nghề”. Cũng tương tự, vị trí Community Manager hay Community Builder cũng chỉ mới xuất hiện khi có sự hình thành của Community Economy (kinh tế cộng đồng). Vậy các công việc như quản lý cộng đồng hay xây dựng cộng đồng có phải là một “nghề” kiếm ra tiền và các yếu tố để hình thành nên Community Economy là gì?
Phạm Thanh Huyền
6 tháng 9
Mô hình Creator Economy (kinh tế sáng tạo) hình thành, sinh ra những vị trí mới như Content Creator, Content Manager
Mô hình Creator Economy hình thành, sinh ra những vị trí mới như Content Creator, Content Manager,...  

Tại sao xây cộng đồng lại khó kiếm tiền như vậy?

Đại số các cộng đồng hiện tại, cho dù là những cộng đồng nhỏ từ vài trăm đến vài ngàn người, vài chục ngàn, vài trăm ngàn hoặc thậm chí cả triệu người, đều có một số những thách thức chung là rất khó để có thể bền vững được về mặt tài chính.

Bền vững về mặt tài chính ở đây là có thể định nghĩa và hiểu là các cộng đồng có những nguồn doanh thu một cách đều đặn hàng tháng,giúp cho các Cộng đồng phát triển và vận hành một cách ổn định.

Vì cộng đồng cũng là một tổ chức, và một tổ chức thì cần phải có tài chính ổn định thì mới có thể vận hành và phát triển tốt được. Để có thể chăm sóc được tốt tạo ra nhiều hoạt động có giá trị hơn cho các thành viên, hỗ trợ cho những người giúp xây dựng cộng đồng đó.

Đa số mọi người đều nghĩ rằng: “Có một cộng đồng có vài chục ngàn thậm chí vài trăm ngàn thành viên thì làm sao mà lại không kiếm được tiền?”. Nhưng thật ra chuyện ổn định về mặt tài chính của một cộng đồng, một tổ chức khó hơn nhiều so với bạn nghĩ. Không phải chỉ cần có một cộng đồng 50.000 - 100.000 thành viên là có thể kiếm được tiền từ cộng đồng đó.

Tại sao lại như vậy?

Không như Creator Economy nơi mà các Content Creator đã có thể kiếm tiền dễ dàng, các cộng đồng chưa có Community Economy được định hình rõ ràng để làm điều đó. 

Các yếu tố cấu thành Community Economy (kinh tế cộng đồng)

Mô hình kinh tế của cộng đồng cũng bao gồm bốn cột trụ.

Thứ nhất là niềm tin của các thương hiệu (Brand Adoption)

Các nhãn hàng càng ngày càng tin vào Community-driven Marketing

Các bạn sẽ bắt đầu nghe nhiều tới những thuật ngữ như là Community Marketing, Community-Driven Marketing, Community Led Growth, Community Driven-Pro, đại loại thế. Tức là những thuật ngữ Marketing được gắn với từ cộng đồng. Cũng giống như trước đây, từ Content được gắn với từ Marketing, rồi từ Social gắn với chữ Content.

Bây giờ chữ Community sẽ bắt đầu gắn nhiều hơn với chữ Marketing và bắt đầu trở thành một xu hướng. Khi nói về xu hướng thì nhiều người sẽ nghĩ rằng: “Vậy nó sẽ là Fred (một thứ ngắn hạn) hay nó sẽ là Trend (thứ lâu dài hơn)?

Nếu các bạn nhìn qua một số ngành, một số mảng, ví dụ như web3 hay blockchain, gần như tất cả các dự án blockchain và web3 đều có cộng đồng, đều xây dựng và đi lên từ cộng đồng. Các công ty bên mảng blockchain web3 đều có một bạn làm Community Manager và đó là phần rất quan trọng.

Xu hướng sẽ ngày càng lan nhiều hơn qua bên khác, và community-driven marketing đã bắt đầu có ở các bên công ty công nghệ. Các công ty này cũng thường sẽ có những cộng đồng họ xây dựng, có thể thấy như Cộng đồng Notion, Cộng đồng Canva, Cộng đồng Lark,... Xu hướng này sẽ tiếp tục lan ra các mảng khác. Những công ty không phải là công nghệ cũng sẽ bắt đầu nghĩ tới chuyện xây dựng cộng đồng.

Sự lan rộng đơn giản là vì community-driven marketing bắt đầu có những hiệu quả, đã được chứng thực và đã có nhiều case study về câu chuyện thành công.

Thứ hai là những vị trí mới được tạo ra (Career Establishment).

Khi các doanh nghiệp ngày càng hứng thú hơn, càng tin tưởng hơn, những dòng tiền sẽ bắt đầu đổ vào mảng community-driven marketing, xây dựng cộng đồng càng ngày càng nhiều hơn. Và lẽ tất nhiên, dòng tiền chạy tới đâu sẽ tạo ra những công việc mới tới đó.

Cũng giống như những vị trí là Social Manager và Content Manager, trong vòng khoảng 3 đến 5 năm nữa, tôi tin rằng bất cứ team Marketing nào cũng sẽ có một vị trí là Community Manager.

Các bạn làm Community Manager, vai trò của bạn là gì? Hiện tại gần như không có một JD (mô tả công việc), không có một sự hình dung rõ ràng về vị trí này. Nhưng trong thời gian sắp tới, tôi nghĩ là khoảng chừng 1 năm nữa thôi, những vị trí và công việc đó sẽ dần dần được định hình rõ hơn. 

Community Manager sẽ là người hiểu rõ nhất đối tượng người dùng sản phẩm của doanh nghiệp là ai, chúng ta bán sản phẩm này cho nhóm đối tượng A, B, C, họ sẽ có những đặc tính gì, họ có niềm tin gì, họ muốn cái gì, họ cần cái gì và những nhóm đối tượng này đang tồn tại ở trong các cộng đồng nào ở trên mạng. 

Vậy các bạn Community Manager sẽ xác định làm thế nào để chúng ta lồng ghép thông điệp thương hiệu của mình vào trong các cộng đồng đó, đưa được sản phẩm của mình trở thành một brand, thương hiệu của mình thành động lực, một trụ cột trong cộng đồng đó, bằng thương hiệu có thể tác động và tương tác với những người dùng.

Community Manager cũng sẽ chịu trách nhiệm về câu chuyện có cần xây dựng một cộng đồng của riêng thương hiệu để phục vụ, hỗ trợ người dùng tốt hơn, chiến lược cộng đồng là gì, vận hành, thúc đẩy và triển khai tất cả những hoạt động đó như thế nào.

Thứ ba là câu chuyện về nền tảng (Platform support).

Chúng ta sẽ thấy càng ngày càng có nhiều nền tảng hỗ trợ xây dựng cộng đồng hơn. Sự tập trung của các nền tảng cho phần cộng đồng đang rất lớn. Càng ngày càng nhiều sự xuất hiện của các nền tảng mới.

Facebook có rất nhiều sự nâng cấp về tính năng mới cho các nhóm cộng đồng. Quản trị viên của cộng đồng bây giờ có nguyên một bộ Công cụ hỗ trợ để quản lý các hội nhóm, không hề thua kém so với bộ công cụ quản lý page. Bây giờ bạn có thể chạy quảng cáo trực tiếp vào Facebook Group chứ không phải chỉ chạy trên trang nữa.

Ngoài Facebook, trên Telegram có những cộng đồng tới gần 200.000 thành viên. Chúng ta có thể livestream trực tiếp vào trong group Telegram. Cộng đồng trong Telegram cũng có thể chia ra thành nhiều topic nhỏ, giống như một diễn đàn vậy.

Và thậm chí với cộng đồng Telegram hay nhóm Discord, các bạn có thể xây dựng những con Bot setup để tự động vận hành quản lý chống spam, duyệt thành viên, hỗ trợ tất cả các thứ trên nền tảng đó một cách dễ dàng.

Gần đây WhatsApp cũng đã bắt đầu mở tính năng tạo cộng đồng ngay trên nền tảng. Trên Viber, các bạn đã có thể tạo nhiều group, nhiều channel mà trong đó có thể chứa tới 1 triệu người ở trong kênh đó. Đó cũng là một dạng cộng đồng.

Những nền tảng lớn trên thế giới bắt đầu hỗ trợ nhiều hơn cho chuyện xây dựng cộng đồng. 

Điều đó trở thành một phần rất quan trọng trong chiến lược về social của bất cứ bên nào, tùy theo lĩnh vực của họ đang làm là gì.

Cuối cùng, cột trụ thứ tư là hệ sinh thái hỗ trợ (Ecosystem Development)

Ecosystem (Hệ sinh thái) chính là câu chuyện sẽ cần phải có một bên nào đó đứng ra để kết nối các thương hiệu với các cộng đồng, giúp cho các cộng đồng có thể làm việc được với Brand một cách dễ dàng hơn. Hệ sinh thái giúp cho quá trình làm việc giữa hai bên mượt mà hơn, giúp cho dòng tiền đổ vào trong nền kinh tế này được trơn tru hơn, tốt hơn và nhiều hơn, chứng minh được sự hiệu quả của hoạt động hợp tác giữa các Brand và các cộng đồng. 

Hiện tại thì Community Economy (kinh tế cộng đồng) chưa định hình được rõ ràng, nên một nền kinh tế chưa được tạo ra và các cộng đồng sẽ còn khó khăn trong chuyện có thể tạo được những nguồn tài chính bền vững.

Khi bốn trụ cột này vững chắc và rõ ràng hơn thì nền kinh tế sẽ được hình thành. Các cộng đồng lúc này sẽ có nhiều lựa chọn hơn, dễ dàng hơn trong làm việc với các thương hiệu, mang được dòng tiền tới nhiều hơn cho các cộng đồng.

Nguồn doanh thu sẽ giúp cho các Cộng đồng phát triển một cách bền vững hơn và càng ngày càng chuyên nghiệp hơn, càng tạo ra nhiều giá trị hơn. 

Đó là niềm tin và suy nghĩ của tôi về khía cạnh này. Trong nỗ lực của mình, tôi và Envision Nexus - hệ sinh thái hỗ trợ các cộng đồng và giúp brand thực hiện các chiến lược Community-Driven Marketing, hy vọng có thể thúc đẩy trụ cột thứ tư này, để Community Economy sớm hình thành tại Việt Nam. 

Bùi Quang Tinh Tú

Founder Envision Nexus - Hệ sinh thái cộng đồng hơn 5 triệu thành viên tại Việt Nam.




Bình luận