Những Hiểu Lầm Thường Gặp Về Xây Dựng Tài Chính Trong Cộng Đồng
Phi lợi nhuận là không kiến tiền?
Nhiều người thường đặt ra câu hỏi: “Cộng đồng phi lợi nhuận thì tại sao lại có tài chính?” Tức là phi lợi nhuận thì tại sao lại kiếm tiền? Đây là hiểu lầm phổ biến của rất nhiều người. Phi lợi nhuận không có nghĩa là không kiếm tiền.
Phi lợi nhuận là 100% các lợi nhuận của cộng đồng, từ tất cả các hoạt động, các nguồn thu sẽ được tái đầu tư trở lại vào cộng đồng. Lợi nhuận sẽ được đưa vào quỹ chung của cộng đồng và sử dụng để phát triển thêm các hoạt động cộng đồng, chứ không phải tạo ra lợi ích cho bất cứ cá nhân hay đơn vị nào.
Sự khác biệt giữa một tổ chức phi lợi nhuận và tổ chức không phi lợi nhuận không nằm ở việc tổ chức đó kiếm tiền hay không mà là mục đích của lợi nhuận được sử dụng vào việc gì.
Cộng đồng phi lợi nhuận vẫn có thể có mô hình tài chính, vẫn kiếm tiền bằng cách bán vé sự kiện, bằng kêu gọi tài trợ hay bằng nhiều mô hình thu nhập khác nhau. Toàn bộ doanh thu sau khi trừ hết các chi phí còn lại lợi nhuận sẽ được tái đầu tư vào cộng đồng. Việc kiếm tiền không mâu thuẫn với mục tiêu phi lợi nhuận mà thậm chí là một phần quan trọng để duy trì hoạt động bền vững.
Mô hình kiếm tiền phi lợi nhuận khác của cộng đồng
Mô hình doanh nghiệp xã hội (social enterprise): mô hình kiếm tiền thay vì 100% lợi nhuận được tái đầu tư lại vào cộng đồng, thì chỉ 30%, 50% hay 70% sẽ được tái đầu tư. Phần còn lại để tạo ra thêm giá trị xã hội. Phần trăm lợi nhuận dùng để tái đầu tư không có quy định bắt buộc, tùy theo nhiều trường hợp khác nhau.
Mô hình cộng đồng không kiếm tiền
Nếu một tổ chức không kiếm tiền mà hoạt động hoàn toàn dựa vào nguồn quyên góp từ các bên khác thì đó là tổ chức từ thiện chứ không phải tổ chức phi lợi nhuận hay không phi lợi nhuận. Nguồn thu nhập của cộng đồng đến từ việc nhận tiền từ những tổ chức khác đưa qua thì nó sẽ vận hành giống như một quỹ từ thiện hơn.
Một quỹ từ thiện sử dụng nguồn thu nhập cho những mục đích nào sẽ tùy thuộc vào tổ chức đó.
Tư Duy Xây Dựng Tài Chính Bền Vững Cho Cộng Đồng
1. Lập báo cáo lợi nhuận và lỗ (PnL - Profit and Loss)
Cộng đồng hướng tới vận hành ổn định và phát triển lâu dài phải luôn luôn bền vững về tài chính (financially sustainable). Tất cả những hoạt động của cộng đồng từ việc tổ chức Workshop, event sự kiện, một số hoạt động meeting,... đều cần có PnL.
Trước khi tổ chức hoạt động đó. bạn phải có ước lượng được lời, lỗ khi tổ chức event này, cần chi phí bao nhiêu và dự kiến sẽ thu lại bao nhiêu lợi nhuận. Phải làm gì để đạt được mục tiêu thu đó: cần bán được bao nhiêu vé, gọi được bao nhiêu tài trợ và phải làm mọi cách để đạt được mục tiêu về PnL đó.
PnL sẽ giúp kiểm soát tài chính tốt hơn nhờ đánh giá được hiệu suất vận hành cũng như tiềm năng sinh lời của các hoạt động, sự kiện.
2. Tối ưu hóa các hoạt động thu nhập
Luôn suy nghĩ về chuyện làm sao để có thể có nguồn tài chính cho cộng đồng, ngay cả khi hoạt động cộng đồng của bạn còn mới.
Đừng suy nghĩ vì mình làm cộng đồng nên mình phải làm miễn phí. Cộng đồng sẽ có những giá trị cốt lỗi rất tốt đẹp là mong muốn mang lại kiến thức, giá trị tới cho càng nhiều người càng tốt nhưng đương nhiên kiến thức chúng ta cho không cũng chưa chắc đã tốt. Vì kiến thức chỉ có giá trị với những người họ muốn học, với những người họ muốn kiến thức đó.
Đôi khi trả tiền cho một kiến thức có giá trị cũng là một cách để chúng ta định hình được người nhận có sẵn sàng nhận kiến thức đó không. Điều đó đã được chứng minh bằng thực nghiệm.
Với sự kiện miễn phí, chất lượng của những người tham dự lúc nào cũng thấp hơn so với một sự kiện có thu phí.
Việc thu phí các hoạt động cộng đồng cũng mang giá trị xác thực. Thứ nhất là đánh giá được tính cam kết của người tham dự. Thứ hai là để chúng ta bắt đầu có thói quen phải tạo ra doanh thu, phải hòa vốn, phải tạo được nguồn thu tài chính cho cộng đồng. Dù tổ chức sự kiện lớn hay nhỏ thì đó là suy nghĩ mà bạn nên có.
Ngay cả khi bạn tổ chức một sự kiện nhỏ, không có nghĩa là bạn phải làm miễn phí.
Ví dụ, khi tổ chức một buổi Coffee talk cho cộng đồng, thay vì hoàn toàn miễn phí, người tham gia cần phải điền thông tin vào form đăng ký và chuyển khoản trước một khoản nhất định, được dùng để giữ chỗ và sau đó nhận một phần đồ uống tại quán cà phê khi tham gia sự kiện.
Sau đó bạn đàm phán lại với quán cà phê để chiết khấu chi phí đồ uống. Khoản lời chênh lệch bạn dùng để trả các chi phí thuê mặt bằng, thiết bị, chi phí di chuyển cho các tình nguyện viên hỗ trợ sự kiện,..
Còn dư bao nhiêu, ít hay nhiều cũng sẽ đưa vào trong quỹ chung của cộng đồng. Và lên kế hoạch một năm, một tháng tổ chức bao nhiêu sự kiện, mỗi sự kiện có một khoản dư nhất định để đóng góp vào trong quỹ cộng đồng.
Cũng như các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng cần có nguồn tài chính ổn định để duy trì hoạt động. Việc kiếm tiền không hề mâu thuẫn với những mục tiêu to lớn của cộng đồng, mà để phục vụ cho những hoạt động đem lại nhiều giá trị cho tất cả thành viên. Xây dựng và quản lý tài chính trong cộng đồng đảm bảo cộng đồng phát triển đúng mục tiêu và tồn tại bền vững.
Bùi Quang Tinh Tú
Founder Envision Nexus - Hệ sinh thái cộng đồng hơn 5 triệu thành viên tại Việt Nam.