Trang chủMặc địnhXây dựng cộng đồng: Trải nghiệm thành viên - Yếu tố sống còn

Xây dựng cộng đồng: Trải nghiệm thành viên - Yếu tố sống còn

Để xây dựng và duy trì một cộng đồng bền vững, trải nghiệm của thành viên là một trong những yếu tố quan trọng nhất và mang tính quyết định. Bài viết này sẽ làm rõ về nhận định trên cũng như đưa ra những hoạt động dành cho thành viên, giúp cộng đồng trở nên có giá trị hơn.
Phạm Thanh Huyền
6 tháng 9

Trải nghiệm thành viên gồm những gì?

Về cơ bản, thành viên của một cộng đồng cần có một nơi để trò chuyện, kết nối với những người có cùng chuyên môn, sở thích, hoàn cảnh,…

Trong một cộng đồng có yếu tố chuyên môn cao, người dùng có thể trao đổi, chia sẻ và học hỏi từ những người có cùng ngành nghề, công việc với mình. Còn trong cộng đồng mang tính xã hội, những thành viên đa phần sẽ giống nhau về sở thích, hoàn cảnh hay một yếu tố xã hội nào đó.

Ví dụ, cộng đồng những người hướng nội là nơi kết nối của những người có nét tính cách, xu hướng xã hội tương tự nhau.

Những hoạt động cộng đồng nâng cao trải nghiệm thành viên

Ngoài những mong muốn cơ bản kể trên, mỗi cộng đồng sẽ có mục tiêu khác nhau tùy thuộc vào tính chất và đối tượng thành viên. Những người xây dựng, quản lý cộng đồng cần định hướng và tổ chức những hoạt động tạo ra thêm giá trị cho các thành viên. Điều này sẽ đem lại những trải nghiệm phong phú cho thành viên và đồng thời có thể giúp cộng đồng tới gần với mục tiêu đã đặt ra hơn.

Trong 10 năm qua, tôi đã thử nghiệm và tổ chức khá nhiều hoạt động khác nhau với đa dạng quy mô, tính chất, lĩnh vực. Dưới đây là những hoạt động điển hình được phân loại quy mô người tham gia.

Coffee meet-up (khoảng 8-10 người)

Đây đơn giản chỉ là một cuộc gặp mặt của các thành viên tại quán cà phê để trò chuyện, kết nối với nhau. Ưu điểm của hoạt động này là đơn giản, không tốn kém và dễ tổ chức. Chỉ cần một thành viên đăng lên trang cộng đồng hẹn một buổi cà phê ở một địa điểm, thời gian cụ thể nào đó rồi gặp nhau và tán gẫu, giống như những nhóm bạn cùng ngồi lại với nhau vào những ngày rảnh rỗi vậy.

Những buổi coffee meet-up thường không quá đông người tham gia, thường chỉ từ 8-10, tối đa là 14-15 người để những cuộc trò chuyện không bị “loãng” và lan man.

Coffee talk (khoảng 20-30 người)

Cũng là một buổi gặp mặt tại một quán cà phê, một buổi coffee talk sẽ được tổ với quy mô lớn hơn, không gian rộng hơn coffee meet-up. Nội dung của buổi gặp mặt sẽ được định hướng mang tính chuyên môn, cụ thể, được những người có chuyên môn chia sẻ. Ví dụ một buổi coffee talk của cộng đồng Marketing có thể sẽ chia sẻ về Digital, Performance, IMC,…

Buổi gặp mặt đó không chỉ dừng lại ở việc gặp mặt và kết nối, các thành viên còn có cơ hội học hỏi kiến thức, kinh nghiệm của những người khác trong cộng đồng.

Những buổi coffee talk cũng khá đơn giản để tổ chức, chỉ cần một không gian vừa phải, có thể thuê hoặc thương lượng với chủ quán, cam kết có khoảng 20-30 người tới order 20-30 ly nước, phần lớn quán sẽ đồng ý.

Talkshow (khoảng 50-70 người)

Đến đây, mọi thứ sẽ phức tạp và tốn nhiều chi phí cũng như nhân lực hơn nhiều so với những buổi cà phê trò chuyện. Một buổi talk show đòi hỏi có một địa điểm tổ chức phù hợp, có sức chứa tương đối lớn và đủ tiêu chuẩn. Những buổi talkshow thường được tổ chức ở hội trường hoặc một nhà hàng, khách sạn chuyên tổ chức sự kiện.

Những buổi talk show của các diễn giả thường có khoảng 50-70 tham dự; diễn giả càng nổi tiếng, người xem sẽ càng đông. Khâu truyền thông cần được triển khai trước đó 1-2 tuần với form đăng ký, khách mời, banner,… không đơn giản như những buổi cà phê kêu gọi là sẽ có 50-70 người tham gia ngay.

Webinar (online)

Với xu hướng online hóa, webinar là một lựa chọn tiện lợi, tiết kiệm chi phí và tiếp cận được lượng khán giả lớn.

Thông qua các phần mềm meeting online như Google meet, Zoom, Hangout,… các đơn vị có thể tổ chức một buổi hội thảo với hàng trăm, hàng ngàn người tham gia. Webinar cũng tiện lợi hơn cho người tham gia, chỉ cần điện thoại, máy tính kết nối Internet đã có thể tham gia Webinar ở bất cứ đâu.

Trước đây tôi cũng từng tạo nhóm Telegram, livestream hỏi đáp, tư vấn về xây dựng cộng đồng Facebook, những chiến lược truyền thông cộng đồng,... tương tự như Webinar và thu về hiệu quả khá tốt.

Điểm trừ của Webinar là thiếu tính kết nối và tương tác. Sự gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp và và xây dựng các mối quan hệ giữa các thành viên cũng đóng vai trò quan trọng với cộng đồng.

Ngày nay, có khá nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện mô hình Webinar, khiến tính cạnh tranh giữa các bên cao hơn.

Mentorship

Chương trình mentorship thường kéo dài khoảng 6 tháng, trong đó những mentor (cố vấn) và mentee (học viên) được kết nối và đồng hành cùng nhau một quãng thời gian khá dài. Đây là một hoạt động phức tạp, đòi hỏi một đội ngũ vận hành chuyên nghiệp.

Mentorship thường được áp dụng với những cộng đồng đã phát triển, có tổ chức vững vàng. UAN Marketing hiện đang vận hành mentorship ở nhiều tỉnh, thành trên khắp Việt Nam.

Career Fair, Conferences (lên đến hàng ngàn người)

Những sự kiện lớn có 300-500, thậm chí 1000-2000 người tham gia trong một ngày sẽ thu hút sự quan tâm và gây ấn tượng mạnh với những thành viên trong và cả những người bên ngoài cộng đồng.

Để tổ chức một sự kiện có quy mô lớn như vậy, các cộng đồng cần có nguồn lực tài chính dồi dào hoặc khả năng kêu gọi tài trợ, kinh nghiệm và nền tảng kiến thức vững chắc để có thể vận hành tốt. Mọi khâu từ truyền thông, tổ chức, vận hành,… cần được chuẩn bị trước 1-2, thậm chí là 3 tháng.

Một chương trình 1000 người tham gia cần phải bán vé, chăm sóc khách hàng, truyền thông, quảng cáo,… Do đó, một đội ngũ phải đủ vững vàng mới có thể vận hành và tổ chức sự kiện trọn vẹn.

Ngoài đội ngũ vận hành chuyên nghiệp, UAN còn có những bạn tình nguyện viên hỗ trợ trong suốt quá trình tổ chức. Đây cũng là nguồn lực giúp cho cộng đồng có thể tổ chức những sự kiện lớn không thua kém gì các doanh nghiệp.

Trải nghiệm thành viên – Cốt lõi cộng đồng thành công và bền vững

Trải nghiệm là yếu tố giữ chân thành viên và mang đến sự thành công cho cộng đồng. Bên cạnh những hoạt động thông thường, những người quản trị cộng đồng có thể mang lại cho thành viên nhiều trải nghiệm mới lạ, bổ ích, khiến họ gắn bó hơn.

Hiện nay, có những mô hình cộng đồng mà thành viên có thể đăng ký trả phí để truy cập vào những nội dung có giá trị cao hơn hay nhận được những quyền lợi lớn hơn. Chúng ta có thể khiến cho thành viên cảm thấy tự hào, đặc biệt vì là thành viên của cộng đồng bằng cách xây dựng những trải nghiệm ý nghĩa.

Trên đây là những sơ lược cơ bản nhất về trải nghiệm thành viên cộng đồng. Hy vọng bài viết hữu ích cho mọi người.

Bùi Quang Tinh Tú

Founder Envision Nexus - Hệ sinh thái cộng đồng hơn 5 triệu thành viên tại Việt Nam

Bình luận