Sau khi định hình rõ ràng, tôi nhận thấy có nhiều nền tảng để xây dựng cộng đồng nhưng nhìn chung nên được chia ra làm ba loại khác nhau, với ba nhóm mục đích và mục tiêu khác nhau. Trong đó có hai loại nền tảng quan trọng mà cộng đồng nào cũng cần có, và loại còn lại sẽ tùy thuộc vào tình hình và mục tiêu cộng đồng của bạn.
Cộng đồng trên mạng xã hội (Social Centric Community)
Hiện nay, phổ biến nhất là những cộng đồng ở trên nền tảng mạng xã hội (Social Centric Community). Các cộng đồng thường này là những group Facebook, group LinkedIn, group Instagram,...
Cộng đồng xây dựng trên nền tảng mạng xã hội có điểm lợi thế về mặt thu hút sự chú ý. Các cộng đồng này sẽ có khả năng được đề xuất, có thể viral với độ tiếp cận rộng, có thể thu hút rất nhiều người tham gia và đồng thời nhận được nhiều tương tác.
Nhưng cùng với đó cũng có rất nhiều khó khăn, về bản chất sẽ có ba vấn đề lớn:
Đầu tiên là vấn đề về quyền sở hữu
Bạn cần phải nhớ: Cộng đồng trên mạng xã hội mà bạn đang có thực sự không phải là của bạn. Giống như bạn sở hữu căn nhà nhưng bạn không có sổ đỏ, vì một group Facebook bạn sở hữu có thể biến mất, có thể bị vô hiệu hóa hay xóa bỏ mà bạn không có cách nào để bạn lấy lại.
Với những cộng đồng lớn có vài trăm ngàn, hàng triệu thành viên, vẫn có những trường hợp bất khả kháng. Ngay cả khi bạn kiểm soát rất chặt chẽ, bạn cài đặt những từ khóa xấu, bạn có đội ngũ vận hành để kiểm duyệt nội dung, không duyệt những nội dung xấu. Nhưng vẫn có những trường hợp chỉ cần thành viên có bình luận hay post một đường link xấu trong cộng đồng thì cộng đồng của bạn có thể bị dính một gậy phạt hay cảnh báo vi phạm. Sau ba lần cảnh báo thì bạn sẽ mất cộng đồng.
Trong một số group cộng đồng, bạn có thể quản lý được bài post nhưng không thể quản lý được bình luận, nội dung của thành viên trong cộng đồng. Với số lượng bài đăng lên tới vài trăm hoặc nhiều hơn, thật khó để kiểm soát hết được nội dung. Đó là một thách thức rất lớn.
Với group Facebook, vì sự phổ biến nên cũng bị tập trung và tấn công từ hacker để chiếm đoạt tài nguyên và dữ liệu. Có nhiều đối tượng sẽ tìm cách để tấn công và khai thác dữ liệu cộng đồng và rất nhiều người đã mất cộng đồng.
Đối với những cộng đồng được xây dựng trên nền tảng mạng xã hội, nó không thực sự thuộc về bạn. Bạn có thể hiểu là bạn đang thuê chỗ để bạn host cộng đồng của mình.
Cộng đồng của bạn không nên chỉ tồn tại trên một nền tảng duy nhất, không nên “bỏ tất cả trứng vô chung một giỏ".
Thứ hai là tất cả các cộng đồng trên mạng xã hội đều phụ thuộc vào thuật toán.
Dù bạn là sáng lập viên của cộng đồng, là admin hay moderator cũng không phải ngoại lệ. Ví dụ khi bạn post những bài viết có nội dung thú vị sẽ có lượt tương tác và tiếp cận tốt, nhưng chỉ cần thêm 1 đường link lạ trên bài đăng hay có thông tin định hướng sang một nền tảng khác thì gần như tương tác trên bài viết của bạn sẽ bị ngăn chặn.
Sẽ khó tạo ra được giá trị cho cả bạn hoặc những bên mà bạn muốn hợp tác nếu không thể dẫn người xem tới những trang về sản phẩm, hay những dịch vụ mà mình có.
Thứ ba là không thu thập được dữ liệu của thành viên.
Việc lấy thông tin từ người dùng nhưng chưa được sự cho phép vốn không phải là chuyện nên làm, nhưng ở một khía cạnh đơn giản: trên mạng xã hội ngày nay, bạn cũng sẽ không phân biệt hay định danh được người đó là ai, chưa nói tới chuyện lấy dữ liệu từ họ.
Cộng đồng hướng tới giao tiếp (communication centric community)
Gần đây chúng ta có một loại cộng đồng phổ biến hơn, tôi gọi nhóm cộng đồng đó là những cộng đồng hướng tới giao tiếp (Communication Centric Community).
Những cộng đồng hướng tới giao tiếp này chính là những cộng đồng tồn tại trên các nền tảng chat, ví dụ như group Telegram, group Discord, nhóm Zalo, group cộng đồng Viber, WhatsApp…
Khi nói tới nền tảng chat, mọi người thường nghĩ tới Zalo, nhưng Zalo không phải điển hình. Ví dụ điển hình là group Telegram, hay cao cấp hơn là những cộng đồng Discord, có thể có hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn thành viên. Trong đó thành viên được phân cấp thành các group hay nhóm nhỏ rõ ràng giống như diễn đàn.
Các diễn đàn cũng có thành viên chat và có cả những hệ thống tự động hóa rất hiệu quả. Ví dụ có bot chào mừng thành viên khi tham gia cộng đồng, bot kiểm duyệt nội dung bài viết được đăng tải, bot hỗ trợ vận hành, cung cấp dữ liệu cho thành viên tham gia, tự động phân loại thành viên vào các nhóm các group khác nhau, tùy theo các mục tiêu hoạt động thu hút hay tương tác.
Telegram và Discord là hai nền tảng nổi bật vì có hệ thống tự động hóa để hỗ trợ tối đa cho xây dựng cộng đồng.
Việc dùng nền tảng nào để xây dựng cộng đồng sẽ phụ thuộc vào nhóm đối tượng thành viên. Ví dụ, với cộng đồng “Mẹ đơn thân” thì không thể dùng nền tảng Discord hay Telegram vì chủ yếu thành viên sử dụng Zalo. Giải pháp cho cộng đồng này ở thời điểm hiện tại là Zalo.
Các cộng đồng trên nền tảng chat sẽ có một số đặc điểm:
Đầu tiên là vấn đề về quyền sở hữu.
Group chat đó do bạn tạo ra, nó như cộng đồng của bạn và bạn là người duy nhất sở hữu và có toàn quyền sở hữu, chỉ có bạn mới có quyền xóa cộng đồng đó.
Thứ hai, cộng đồng trên nền tảng chat không bị phụ thuộc vào thuật toán.
Nghĩa là nền tảng chat thì không có thuật toán, ai post nội dung gì thì tất cả mọi người trong group cộng đồng đều sẽ thấy, đó là điểm đặc trưng của nhóm.
Thứ ba, trên group chat vẫn không thể thu thập được thông tin cá nhân của những thành viên trong đó.
Tôi thường khuyên các bên khi xây dựng các cộng đồng nên đảm bảo có hai phần: nền tảng cộng đồng trên các mạng xã hội và nền tảng cộng đồng trên các chat platform. Cộng đồng trên mạng xã hội như Facebook, LinkedIn sẽ đóng vai trò giống đầu phễu để thu hút người tham gia cộng đồng. Sau đó chúng ta dịch chuyển khoảng 10%-15% những người tương tác nhiều nhất trong cộng đồng (top contributor) vào nền tảng group chat.
Sẽ có nhiều cách khác nhau để thúc đẩy các thành viên trên nền tảng mạng xã hội tham gia vào group chat: tặng tài liệu từ sự kiện cộng đồng, nhận thông tin hữu ích chỉ dành riêng cho nền tảng chat,...
Chúng ta nên mời những người có hoạt động tốt, đã tham gia các chương trình, sự kiện cộng đồng. Vì đây là nhóm thành viên đã tích cực tương tác và có sự yêu thích cũng như sự gắn kết với cộng đồng. Như vậy sẽ nâng cao khả năng tương tác và tỷ lệ chuyển đổi trong group.
Cộng đồng thuộc sở hữu riêng (Own community platform)
Với những nền tảng cộng đồng thuộc sở hữu riêng (Own Community platform), chúng ta có thể nghĩ tới diễn đàn do mình tự tạo ra, mình làm chủ hoặc chúng ta xây dựng website, ứng dụng mà trong đó có tính năng cộng đồng cho phép mọi người nói chuyện và tương tác với nhau. Đó cũng là một nền tảng mạng xã hội để tương tác.
Vấn đề của “Own community platform” là để xây dựng được sẽ tùy thuộc vào mục tiêu, chiến lược rõ ràng. Đó là một lựa chọn không bắt buộc.
Chi phí để xây dựng, duy trì nền tảng cũng như chi phí để kéo thành viên đăng ký tài khoản sẽ khá cao và cần xem xét kỹ càng. Bởi để thu hút thành viên đăng ký nền tảng mới cần thêm nhiều những điều giá trị hay phần thưởng hấp dẫn.
Nếu nói về nền tảng cộng đồng, chúng ta có thể phân loại thành ba nhóm lớp khác nhau với những vai trò khác nhau. Lớp đầu tiên như nền tảng mạng xã hội, giống miệng phễu thu hút người tham gia. Lớp ở giữa như nền tảng chat, là nơi giúp thành viên tương tác, nói chuyện nhiều hơn và nâng cao tỉ lệ chuyển đổi. Lớp cuối cùng là nhóm thuộc sở hữu riêng, như các website và app ứng dụng. Một mô hình cộng đồng nên có hai nhóm nền tảng đầu tiên, còn nền tảng thứ ba còn phụ thuộc vào những mục tiêu rõ ràng về mặt chiến lược và định hướng.
Hi vọng những chia sẻ về các nền tảng cộng đồng này sẽ cho mọi người thấy nhiều điểm khác biệt, giúp định hình rõ ràng hơn việc sử dụng nền tảng nào để xây dựng cộng đồng cho phù hợp và tạo nhiều giá trị nhất.
Bùi Quang Tinh Tú
Founder Envision Nexus - Hệ sinh thái cộng đồng hơn 5 triệu thành viên tại Việt Nam.