Trang chủMặc định5 điểm tương đồng thú vị giữa Cộng đồng và Tổ chức Tín ngưỡng

5 điểm tương đồng thú vị giữa Cộng đồng và Tổ chức Tín ngưỡng

Những điểm tương đồng giữa Cộng đồng và Tổ chức Tín ngưỡng cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về câu chuyện xây dựng và phát triển cộng đồng một cách bền vững.
Phạm Thanh Huyền
19 tháng 11

Khi bàn luận về sự phát triển bền vững của một cộng đồng, ít ai để ý rằng có nhiều điểm tương đồng thú vị giữa cộng đồng và tổ chức tín ngưỡng. Trong một số bài viết trước đây về chủ đề Niềm tin và hệ giá trị trong cộng đồng và Định nghĩa một cộng đồng, tôi từng chia sẻ bản chất định nghĩa của cộng đồng chính là một tập hợp của những người có chung niềm tin. Vậy định nghĩa đó cũng có phải là định nghĩa của một tổ chức tín ngưỡng hay không? 

Bài viết dưới đây không nói về bất cứ vấn đề gì liên quan tới tín ngưỡng hay tôn giáo hết. Chúng ta chỉ đang phân tích một số những điểm giống nhau thú vị để thấy được rằng sự phát triển của một cộng đồng thật ra nó không quá khác biệt so với sự phát triển của một tổ chức tín ngưỡng.

Nền tảng niềm tin (Belief & Vibe)

Một điểm giống nhau dễ nhận thấy giữa cộng đồng và tổ chức tín ngưỡng chính là nền tảng dựa trên niềm tin. Định nghĩa cơ bản của một cộng đồng là một tập hợp những người có chung một niềm tin hoặc mục tiêu. Tương tự, tổ chức tín ngưỡng cũng được xây dựng trên nền tảng niềm tin vào một hệ tư tưởng hoặc tôn giáo nhất định. Ví dụ, các cộng đồng tín ngưỡng như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, hay Hồi giáo đều xoay quanh một niềm tin thiêng liêng về nhân vật trung tâm và các giá trị được truyền đạt thể hiện niềm tin ấy.

Nhân vật Trung tâm (Central figure)

Cả cộng đồng và tổ chức tín ngưỡng thường có một nhân vật trung tâm hoặc người sáng lập đóng vai trò quan trọng trong việc truyền cảm hứng và duy trì niềm tin. Trong tổ chức tín ngưỡng đó là các nhân vật như Đức Phật, Chúa Giêsu, hoặc nhà tiên tri Mohammed. Những khởi phát, những hoạt động tín ngưỡng đều xoay quanh nhân vật đó. Trong cộng đồng, nhân vật trung tâm thường là người sáng lập hoặc người lãnh đạo với tầm nhìn mạnh mẽ, khởi phát cho niềm tin về một điều gì đó. 

Ví dụ, với niềm tin về sứ mệnh nâng cao nhận thức cho cộng đồng và giúp đỡ những bệnh nhân mắc ung thư vú, Mạng lưới ung thư vú Việt Nam (BCNV) được thành lập vào năm 2013 bởi chị Thương Sobey (người mắc căn bệnh ung thư vú) và Chị Nguyễn Thủy Tiên (em gái chị Thương).Trong hành trình hơn 10 năm cùng niềm tin bền vững ấy, BCNV đã không ngừng cống hiến để cung cấp thông tin, kết nối các nguồn lực và trở thành nơi an toàn để chia sẻ cho những người quan tâm hoặc đang chiến đấu với căn bệnh ung thư vú.

Hướng tới giá trị đạo đức và giá trị xã hội tốt đẹp

Về bản chất, cộng đồng hay tổ chức tín ngưỡng đều có một mục tiêu chung là thúc đẩy những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Các tổ chức tín ngưỡng thường thực hiện điều này qua các giáo lý, nghi lễ và hoạt động răn dạy. Tương tự, các cộng đồng cũng phát triển thông qua việc đóng góp cho xã hội bằng các hoạt động từ thiện, giáo dục và hỗ trợ các thành viên.

 Ví dụ, với sự tham gia của 5000 thành viên, 34500 người đóng góp và tình nguyện viên, Mạng lưới Ung Thư Vú Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động cùng chương trình từ thiện, hỗ trợ tới 2658 bệnh nhân ung thư vú, nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về căn bệnh này. 

Nghi thức và quy định (Rituals) 

Một khía cạnh khác thể hiện sự tương đồng là các nghi thức và quy định mà thành viên cần tuân theo. Nghi thức giúp xây dựng, đóng góp và làm mạnh mẽ hơn những niềm tin và giá trị cốt lõi của cộng đồng cũng như tổ chức tín ngưỡng.

Trong tổ chức tín ngưỡng, các nghi thức có thể bao gồm việc tham dự các buổi lễ tại chùa hoặc nhà thờ, những hoạt động tổ chức theo các dịp lễ đặc biệt của năm,...  trong khi đó, các cộng đồng có thể có những quy tắc đặc trưng như ký hiệu, cách thức tham dự sự kiện, hay những quy định chung khi tham gia các buổi gặp mặt. 

Một số cộng đồng phát triển tốt, có định hình rõ ràng sẽ có một số nghi thức rất đặc trưng. Chẳng hạn, một số cộng đồng đặt ra quy định là khi bắt đầu tham gia vào hoạt động kết nối networking, thánh viên không được mang điện thoại theo bên mình hoặc sử dụng điện thoại. Điều đó nhằm mục đích giúp thành viên tập trung hoàn toàn và hoạt động hết mình trong những trải nghiệm cộng đồng.

Chuẩn mực hành vi (Code of conduct)

Tổ chức tín ngưỡng và cộng đồng đều có các chuẩn mực về hành vi và hành xử mà thành viên cần tuân theo hay được hi vọng để thực hiện. Có thể gọi đó là giáo điều hoặc giáo lý. Trong tổ chức tín ngưỡng, đó có thể là việc ăn chay, thực hiện các nghi thức cụ thể, hoặc tuân thủ các điều răn. Trong cộng đồng, các chuẩn mực này thể hiện qua việc thành viên cần tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ nội quy và duy trì một không gian an toàn, lành mạnh cho mọi người.

Sự so sánh thú vị giữa cộng đồng và tổ chức tín ngưỡng cho chúng ta một góc nhìn khác để thấy rằng việc xây dựng một cộng đồng không quá khác biệt so với việc phát triển một tổ chức tín ngưỡng. Từ nền tảng niềm tin, sự hiện diện của nhân vật trung tâm, cho đến các nghi thức và quy chuẩn hành vi, cả hai đều hướng tới mục tiêu cao cả là tạo ra những giá trị tích cực cho xã hội. Hiểu rõ những điểm chung này giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn để vận hành và phát triển các cộng đồng một cách bền vững.

Bùi Quang Tinh Tú
Founder Envision Nexus - Hệ sinh thái cộng đồng hơn 5 triệu thành viên tại Việt Nam

Mời bạn đọc tham khảo thêm nội dung về "5 điểm tương đồng thú vị giữa Cộng đồng và Tổ chức Tín ngưỡng tại" đây:






Bình luận