Trang chủMặc địnhChiến lược phát triển đưa Strava từ ứng dụng tập luyện trở thành Cộng đồng đam mê thể thao số 1 thế giới

Chiến lược phát triển đưa Strava từ ứng dụng tập luyện trở thành Cộng đồng đam mê thể thao số 1 thế giới

Từ một ứng dụng đo lường và tập luyện, Strava trở thành Cộng đồng thể thao lớn nhất thế giới nhờ ứng dụng chiến lược Community-led Growth.
Phạm Thanh Huyền
13 tháng 11

Chiến lược phát triển cộng đồng của Strava như thế nào

Strava là một ứng dụng về luyện tập thể thao, với trọng tâm là các bộ môn chạy bộ, đạp xe và leo núi, được ra mắt năm 2009. Tính đến 2024, Strava có hơn 100 triệu người dùng trên toàn cầu, với hơn 2 triệu người dùng hoạt động hàng ngày

Đối với nhiều người đam mê thể thao, ứng dụng và cộng đồng của Strava đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Cùng tìm hiểu cách Strava đã khai thác sức mạnh cộng đồng và ứng dụng chiến lược Community-led growth trong sự phát triển của mình.

Xây dựng mạng lưới kết nối những người đam mê thể thao

Giai đoạn đầu khi Strava xây dựng cộng đồng cũng rất thủ công và truyền thống. Họ cố gắng tìm kiếm khách hàng mới bằng cách tới các cuộc thi thể thao, tặng quà và cài đặt Strava lên các thiết bị điện thoại, đồng hồ thông minh của người dùng. 

Sau khi thực sự lắng nghe nhu cầu và câu chuyện từ những người chơi thể thao, Strava nhận ra rằng: Sức mạnh của cộng đồng giúp mọi người hoạt động năng suất và hiệu quả hơn nhiều. Cần xây dựng mối quan hệ giữa những người chơi thể thao để thúc đẩy tính tương tác xã hội khuyến khích các hoạt động của người dùng một cách tích cực. 

Strava đã xây dựng và tạo ra một không gian kết nối những người cùng đam mê - một mạng xã hội của cộng đồng thể thao. Strava bổ sung rất nhiều tính năng xã hội vào nền tảng của mình. Strava còn cho phép người dùng chia sẻ hoạt động, so sánh thành tích và nhận tương tác từ các thành viên cộng đồng thông tin qua các tính năng Kudos (nút tương tự “Thích”) và Bình luận (Comments) . Điều này giúp Strava từ một ứng dụng đo lường trở thành một mạng xã hội thể thao thực thụ. Không giống như hầu hết các nền tảng xã hội, Strava hầu như không có quảng cáo. 

Strava cũng phát triển mạng lưới bằng cách mở rộng danh mục thể thao, không chỉ là một số bộ môn như đạp xe, chạy bộ. Nền tảng này hiện hỗ trợ hơn 40 hoạt động khác nhau, vì thế trên mạng xã hội của Strava cũng rất phong phú nội dung đến từ người dùng của nhiều bộ môn khác như: bơi lội, chèo thuyền, leo núi,... 

Một phần quan trọng khác trong chiến lược tăng trưởng của Strava là cải thiện khả năng hỗ trợ đa thiết bị và địa điểm tập luyện. Cách tiếp cận không phụ thuộc vào nền tảng hay thiết bị phần cứng giúp Strava mở rộng trải nghiệm và tập trung hoàn toàn vào nhu cầu của người dùng. Nghĩa là người dùng Strava có thể sử dụng bất kỳ một thiết bị điện tử nào, tập luyện tại các địa điểm, khu vực khác nhau mà vẫn có thể kết nối cùng bạn bè của mình. 

Bên cạnh việc thêm hỗ trợ cho các môn thể thao, địa điểm và thiết bị khác nhau, một cách khác mà họ xây dựng cộng đồng chính là nắm bắt các động lực khác nhau để chơi thể thao. Ban đầu, Strava tập trung vào các vận động viên 'nghiêm túc', những người có mục tiêu cạnh tranh để tham gia thể thao. Nhưng sau đó họ đã thay đổi thông điệp của mình, kết nối những người có cùng niềm đam mê để xây dựng một cộng đồng thể thao với những thành viên đầy nhiệt huyết và nỗ lực, bao gồm cả những vận động viên chuyên nghiệp cho tới những newbie chỉ mới bắt đầu tập luyện. 

Kết nối cộng đồng với đa dạng câu lạc bộ (clubs)

Cách Strava tiếp cận việc phát triển cộng đồng chính là kết nối các cộng đồng nhỏ đã tồn tại xung quanh nhiều bộ môn thể thao. Strava không nhất thiết phải xây dựng những cộng đồng mới, thay vào đó họ hỗ trợ, kết nối những cộng dồng hiện có và đóng vai trò là trung tâm của một hệ sinh thái lớn. 

Strava khuyến khích người dùng tạo ra các Câu lạc bộ (Clubs) dựa trên sở thích hoặc mục tiêu chung ngay trên ứng dụng của mình. Câu lạc bộ là nơi mà các thành viên có thể trao đổi, chia sẻ thành tích và cùng nhau tổ chức các sự kiện. Các câu lạc bộ của Strava không chỉ gắn kết người dùng qua nền tảng trực tuyến mà còn mở rộng ra ngoài đời thực, nơi các thành viên có thể gặp gỡ và tập luyện cùng nhau.

Strava kết nối cộng đồng với đa dạng câu lạc bộ (clubs)

Strava cho phép các câu lạc bộ, doanh nghiệp hay thương hiệu trực tiếp thu hút các vận động viên trên nền tảng, cung cấp nhiều tính năng như thống kê số liệu, lịch hoạt động, tổ chức cuộc thi và thử thách. Với những thiết lập rất hữu ích và dễ thao tác, Strava có thêm nhiều người dùng mới, những người chỉ có nhu cầu tham gia một câu lạc bộ địa phương và các hoạt động trong quy mô nhóm hay cộng đồng nhỏ. 

Các nhóm hoặc câu lạc bộ cho phép người dùng gắn kết với nhau theo mục tiêu và sở thích cụ thể. Điều này giúp cộng đồng trở nên đa dạng và tăng tính cá nhân hóa, từ đó khuyến khích người dùng tương tác nhiều hơn và tạo cảm giác bản thân là một phần của cộng đồng. 

Tăng trải nghiệm của thành viên thông qua sự kiện thực tế 

Bên cạnh các hoạt động trực tuyến, Strava còn tổ chức nhiều sự kiện gặp mặt và các buổi chạy bộ, đạp xe ngoài đời thực. Điều này giúp người dùng có thể gặp gỡ và kết nối trực tiếp với nhau, tạo ra những trải nghiệm sâu sắc và gắn bó với cộng đồng. Những sự kiện này phần nhiều đến từ các câu lạc bộ hay nhóm. 

Thông qua các đại sứ địa phương, Strava khuyến khích và tài trợ nhiều sự kiện thể thao theo khu vực như các cuộc thi đạp xe, chạy bộ. Bên cạnh việc hợp tác cùng các KOL hay Blogger về thể hình và các vận động viên chuyên nghiệp, Strava cũng hợp tác với nhiều thương hiệu thể thao khác nhau để tổ chức các thử thách và chương trình khuyến mãi độc quyền cho người dùng. Ví dụ, Lululemon đã hợp tác với Strava để tạo ra các câu lạc bộ chạy ảo, cho phép người dùng kết nối với những người chạy khác trong khu vực của họ.

Khi người dùng có cơ hội gặp gỡ và kết nối trực tiếp, họ sẽ có xu hướng gắn bó với cộng đồng lâu dài hơn. Không chỉ là một ứng dụng, Strava đã trở thành một phần trong lối sống của người dùng.

Gamification tạo động lực và thúc đẩy người dùng

Một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của Strava là ứng dụng gamification, với mục tiêu trọng tâm là tạo động lực và sự gắn bó với một hoạt động bằng cách mang lại cho người tham gia cảm giác tiến bộ và hoàn thành.

Strava cung cấp cho người dùng dữ liệu về tiến trình hàng tuần, thông tin về sức khỏe và tập luyện của bản thân, bên cạnh thông tin của nhiều thành viên khác. Tính năng SegmentLeaderboards cho phép người dùng cạnh tranh với những người khác trên các tuyến đường cụ thể, tạo ra một cuộc đua ảo giữa các thành viên và cung cấp cho mọi người khả năng xem hiệu suất của họ so với những người khác. Với Hệ thống thành tích và huy hiệu, bạn có thể nhận được huy hiệu khi hoàn thành thử thách hoặc đạt thành tích cá nhân tốt, có thể chia sẻ chúng trên dòng thời gian của bạn và ở những nền tảng khác. 

Tính năng Leaderboard và Challenges của Strava

Ngoài ra, các Challenges (thử thách) yêu cầu người dùng hoàn thành một khối lượng hoạt động nhất định trong khoảng thời gian xác định, tạo động lực để họ rèn luyện đều đặn hơn và quay trở lại với nền tảng. Những thử thách không chỉ giới hạn ở các câu lạc bộ, bạn cũng có thể tạo ra những thử thách cá nhân hoặc nhóm của riêng mình, kèm theo huy hiệu khích lệ. 

Marketing truyền miệng và meme viral (UGC)

Người dùng Strava thường xuyên chia sẻ thành tích và trải nghiệm của mình, từ đó khuyến khích bạn bè và người thân tham gia vào cộng đồng. Điều đó tạo ra một vòng lặp tích cực, giúp Strava mở rộng cộng đồng một cách tự nhiên và bền vững.

Một điểm rất riêng ở cộng đồng Strava là các thành viên tạo ra những câu chuyện, hình ảnh bằng hình thức thể hiện rất độc đáo - meme thể thao vẽ bằng nghệ thuật GPS. Họ sử dụng chức năng theo dõi lộ trình để biến hành trình tập luyện thành một bức tranh thực tế, tạo ra nghệ thuật dựa trên các chuyển động được ghi lại. Bạn có thể vẽ hình của một chiếc giày, một con khủng long, ông già tuyết hay bất cứ thứ gì bạn muốn bằng cách ghi lại hành trình của mình nhờ chức năng GPS. 

sử dụng nội dung do người dùng sáng tạo UGC là một bước đi quan trọng trong chiến lược cộng đồng của Strava

Đây không chỉ là một hình thức thể hiện thú vị, bản thân những người “nghệ sĩ” được yêu mến và nổi tiếng hơn mà Strava cũng được mọi người biết đến rộng rãi hơn rất nhiều, ngay cả những người không chơi thể thao. Nội dung do người dùng tạo ra (UGC) là một trong những yếu tố giúp xây dựng lòng tin và tăng cường gắn kết. Khi người dùng tự nguyện chia sẻ trải nghiệm, điều đó không chỉ giúp cộng đồng tăng tương tác mà mở rộng cộng đồng một cách tự nhiên và hiệu quả.

Cộng đồng phát triển sản phẩm 

Không chỉ xây dựng cộng đồng người dùng sôi nổi và gắn kết, Strava cũng xây dựng cộng đồng của sản phẩm. Những thành viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển và cải tiến sản phẩm. 

Trung tâm cộng đồng Strava là nền tảng forum kết hợp nhiều tài nguyên kiến thức

Trung tâm cộng đồng Strava kết hợp diễn đàn, trao đổi ý tưởng và các phần tài nguyên để giúp người dùng tận dụng tối đa Strava. Nơi đây người dùng được lắng nghe, phản hồi và hỗ trợ về mọi thứ liên quan đến sản phẩm. STRAVA Community Hub với rất nhiều nội dung phong phú như các chủ đề giao tiếp, truyền cảm hứng, giáo dục, ý tưởng và phản hồi để khuyến khích các cuộc thảo luận và trao đổi, vượt xa phạm vi về sản phẩm. Các thành viên tham gia sẽ giúp đỡ và giải đáp lẫn nhau, điều này giúp Strava mở rộng sự hỗ trợ tới nhiều người dùng hơn mà không cần thêm nhân sự. 

Sự phát triển của Strava như ngày nay là cả một quá trình dài, và cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển ấy. Cho dù với khía cạnh gắn kết người dùng với thương hiệu hay phát triển và cải tiến sản phẩm. Thông qua sự kết hợp giữa công nghệ thông minh và kết nối con người, Strava đã xây dựng một cộng đồng thể thao đầy đam mê và tích cực. 

Mời bạn đọc tham khảo thêm nội dung về Case study của Strava tại đây:

Bình luận